Cùng chung tay xây dựng báo tin vui với chúng tôi bạn nhé !

2.1.12

Quà chất xám cho quê hương: Trao và nhận

Luôn đau đáu hướng về quê hương, những năm gần đây ngày càng có nhiều trí thức, khoa học gia người Việt xa quê muốn trở về góp phần mình vào sự phát triển của đất nước. Làm thế nào để không phụ những tấm lòng quý giá ấy?

Trở về với một tinh thần xả thân

Trong cuộc gặp gỡ các nhà vật lý thế giới tại Gặp gỡ Việt Nam lần bảy vừa diễn ra tại TP Quy Nhơn, những tên tuổi như Đàm Thanh Sơn, Trịnh Xuân Thuận, Phạm Quang Hưng, Trần Thanh Vân… đều trở về với một tinh thần xả thân. Chỉ trong một chuyến đi ngắn, GS Trịnh Xuân Thuận đã làm một tour khắp các trường đại học từ Bắc chí Nam để khơi dậy tình yêu khoa học, tình yêu với môn vật lý thiên văn. Cách trò chuyện thu hút, luôn kèm theo hình ảnh đầy lý thú về thế giới vô tận của thiên hà, ông đã thực sự gieo vào lòng giới trẻ những giấc mơ. Hay như GS Phạm Quang Hưng, người đã theo đuổi quyết liệt để bằng mọi giá chuyển giao được chương trình vật lý tiên tiến cho Đại học Huế suốt tám năm qua.

Mô hình trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) -
quà của tổ chức Gặp gỡ Việt Nam (GS Trần Thanh Vân).

Nhưng nỗi lo chung của tất cả những tên tuổi khoa học lớn đó là chưa nhận được sự quyết tâm, đón nhận thiết tha của quê nhà. GS Trịnh Xuân Thuận e ngại kiểu nhìn phiến diện, thực dụng, chạy theo khoa học thực nghiệm mà bỏ quên khoa học cơ bản. Còn GS Đàm Thanh Sơn kiến nghị hãy chú ý giữ chân những nhân tài khoa học trẻ đang ở Việt Nam, tạo điều kiện cho họ phát triển, phải có chiến lược cho nhân tài trong nước ngay lúc này, nếu không họ sẽ tiếp tục ra đi... TS Alan Phan, một doanh nhân từng thành công ở các thị trường Mỹ và Trung Quốc, chia sẻ: “Nỗ lực của riêng tôi là viết ra những suy nghĩ của mình để chia sẻ với độc giả trong nước, nhấ t là giới doanh nhân. Phải làm gì cho thế hệ trẻ, đó là trách nhiệm của những người trí thức dấn thân. Thế hệ trẻ hiện nay bị “kẹt” trong nhiều thứ, gia đình, môi trường xã hội, như một cái hộp, khó có thể mở lòng ra để đón nhận tri thức”.


Quà của GS Trịnh Xuân Thuận: một tour khắp các đại học từ Bắc chí Nam để khơi dậy tình yêu khoa học, tình yêu với môn vật lý thiên văn trong giới trẻ.

GS Lê Trần Kim Ngọc, vợ GS Trần Thanh Vân, một tên tuổi lớn trong ngành sinh học tâm sự: “Quà cho quê hương của chúng tôi rất nhỏ bé, những làng SOS ở Hà Nội, Đà Lạt, Đồng Hới, Quảng Bình… đến chuyển giao chương trình Bàn tay nặn bột là tiền góp nhặt bằng mồ hôi, nước mắt của cá nhân chúng tôi và những người bạn hảo tâm qua các chương trình bán thiệp Noel. Cảm thương cảnh ngộ của hàng trăm ngàn cháu bé côi cút, không chốn nương thân sau bao nhiêu năm chiến tranh, tôi cùng chồng rất muốn cứu giúp các cháu. Chúng tôi làm việc giống mấy con kiến bò dưới đất vậy đó, từ chuyện lo thủ tục giấy tờ đến chuyện ăn uống, bếp núc, lo cho họ chỗ ăn, chỗ nghỉ, cả chuyện đi câu cá, đi chơi… Nhưng thực sự tôi cũng rất chạnh lòng. Đất nước mình biết bao đại gia, rất nhiều nhà chọc trời, nhưng sao ít thấy ai kêu gọi hay đứng ra ủng hộ phát triển khoa học? Ở Pháp, chúng tôi đã mượn được cả một lâu đài để tổ chức các cuộc gặp gỡ thường niên giữa các nhà khoa học. Nhưng ở Việt Nam, thái độ lừng khừng, đồng ý nhưng không quyết tâm của các cấp lãnh đạo từ tỉnh, địa phương, đến các trường đại học khiến chúng tôi rất nản lòng. Nếu còn những người “lừng khừng” ngồi đó thì làm sao đẩy mấy cục đá to tướng đang chặn đường?” Ông Helmut Kutin, chủ tịch Quốc tế làng trẻ em SOS thổ lộ: “Những ngôi làng SOS dành cho trẻ em mồ côi Việt Nam là tấm lòng của hàng chục triệu người, từ những tấm thiệp Noel nhỏ nhoi, đồng tiền kiếm được thực nhọc nhằn. Tôi chỉ mong các quan chức địa phương, nhà thầu thấu hiểu họ phải dè sẻn thế nào để đừng xảy ra tham ô lãng phí, như thế thật có tội biết bao với những tấm lòng nhân ái”.

SOS Hà Nội - quà của GS Lê Trần Kim Ngọc.

Nhà có mở cửa, con mới trở về

Không thể dừng lại trước sự thay đổi như vũ bão của thời đại thông tin và tri thức, nỗ lực tự thân của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, mỗi trường đại học là sự thay đổi từ cơ sở, để thúc đẩy quá trình cải cách giáo dục đại học. Để sinh viên Việt Nam có thể tiếp cận vật lý tiên tiến, việc khó nhất với Đại học Huế là cả giáo trình Đại học Virginia (Mỹ) đều được nhập vào giáo trình Đại học Huế, và giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Là linh hồn của chương trình Vật lý tiên tiến tại Đại học Huế, GS Phạm Quang Hưng, Đại học Virginia chia sẻ: “Để tìm được giảng viên từ Mỹ qua Huế, không thể dựa vào chuyện trao đổi giảng viên vì chi phí rất cao. Bằng quan hệ cá nhân, mô hình mà tôi đưa ra là mỗi môn học ở đây được dạy trong bốn tuần, năm ngày mỗi tuần và hai tiếng trong ngày. Hè vừa rồi tôi có tổ chức trường hè về vật lý hạt và vũ trụ ở Huế, các sinh viên Việt Nam có cơ hội gặp gỡ trao đổi với các đồng nghiệp quốc tế trong một môi trường rất cởi mở. Tôi nghĩ mô hình du học trong nước là hướng mở cho giáo dục, nhưng quan trọng hơn là cố gắng ngăn chặn hiện tượng chảy máu chất xám ngay từ thế hệ này. Các em có thể đi du học nước ngoài sau khi tốt nghiệp từ một chương trình du học trong nước, nhưng sự gắn bó trong đại học sẽ thúc đẩy một số không nhỏ các em trở về sau khi làm luận án tiến sĩ. Tôi cũng thúc đẩy ý tưởng liên kết với giáo sư nước ngoài để sinh viên có thể làm luận án tiến sĩ ở Việt Nam dưới sự hướng dẫn của giáo sư quốc tế. Đại học Việt Nam cần phải mềm dẻo trong việc lập thời khóa biểu cho các giáo sư nước ngoài, vì họ không thể qua Việt Nam vào một thời gian cố định. Nhưng câu hỏi làm tôi suy nghĩ nhất là làm thế nào để tạo môi trường cho nhân tài trong nước có thể theo đuổi khoa học cơ bản và nghiên cứu tới nơi tới chốn, và chiến lược của Việt Nam trong việc phát triển khoa học cơ bản. Có thể nhìn sang láng giềng của mình xem họ đã làm được điều gì: Trung Quốc đã trải qua nhiều giai đoạn như Việt Nam, nhưng gần đây họ đã có kế hoạch thu hút các khoa học gia gốc Trung Quốc từ nước ngoài (phần lớn từ Mỹ), đẩy mạnh phát triển cơ sở nghiên cứu tại chỗ, đầu tư lớn về cơ sở vật chất như trung tâm thí nghiệm, phòng nghiên cứu đẳng cấp quốc tế. Bên cạnh đó là tạo điều kiện sinh sống thuận lợi, môi trường làm việc hiệu quả, thoải mái. Chúng ta đã có chiến lược, nhưng nếu triển khai chậm thì chất xám sẽ chảy đi ngày càng trầm trọng”.

GS Võ Văn Tới đã quyết định về Việt Nam và chọn đại học Quốc tế (TP.HCM) là chốn dừng chân để xây dựng bộ môn kỹ thuật y sinh. Đây cũng là chuyên ngành ông đã sáng lập tại Đại học Tufts trong những năm giảng dạy ở Mỹ. Để xây dựng nền móng cho một bộ môn còn non trẻ tại quê nhà, ông đã chủ động mời giảng viên từ các trường đại học lớn trên thế giới đến thỉnh giảng. Cách đây gần hai tháng, từ Đại học Baylor (Mỹ), giáo sư Benjamin Kelley đã đến giảng dạy trong hai tuần. Không chỉ vậy, sau khi về Mỹ, giáo sư Kelly vẫn đảm nhiệm lớp thông qua hình thức trực tuyến (video conferencing). Giáo sư Tới cho biết, ông sẽ tiếp tục thực hiện với sự giúp sức của các cộng sự khác tại Mỹ, Thuỵ Sĩ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông nói: “Bạn bè tôi từ các nước qua đây đã ngạc nhiên vì không khí cởi mở thân thiện giữa các đồng nghiệp, phòng thí nghiệm tiên tiến. Cách giảng dạy trực tuyến giúp cho sinh viên được trao đổi, theo dõi, đặt câu hỏi với giáo sư, không có trở ngại gì về địa lý, thời gian. Các bạn của tôi cũng ủng hộ kiểu dạy này lắm. Đại học Quốc tế TP.HCM theo tôi là mô hình có thể nhân ra trong cả nước”.

Phòng nghiên cứu y sinh - quà của GS Võ Văn Tới.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc Đại học Quốc gia, người rất tâm huyết trong việc mời gọi các chuyên gia từ nước ngoài về giảng dạy, cho biết: “Tất cả thành viên đại học Quốc gia đều nhận rõ nguồn lực từ bên ngoài, nhất là nguồn lực trí thức Việt kiều là lực đẩy cho cải cách giáo dục đại học. Đã có nỗ lực trong việc tạo môi trường làm việc, cố gắng giản lược thủ tục hành chính, giúp cho thủ tục cấp visa đơn giản hơn cho những giáo sư từ nước ngoài về Việt Nam. Yếu tố còn lại là tự thân các trường đại học phải tạo mối quan hệ thân tình, cởi mở cần thiết, để đón chất xám trở về. Yếu tố tài chính cũng là một đòn bẩy, nhưng theo tôi, trí thức Việt kiều không đặt nặng vấn đề này, họ chỉ cần mức chi phí vừa phải để phục vụ đất nước, và thăm gia đình. GS Dương Nguyên Vũ đã có nhà ở Việt Nam để có chốn đi về, GS Võ Văn Tới thì trở về luôn, GS Nguyễn Quang Tuấn kết hợp tập huấn đại học cùng chuyến về ăn tết với gia đình, nhiều người cũng đi về theo một lịch giảng rất linh động… điều đó chứng tỏ sự đối kháng ý thức hệ của những Việt kiều có trình độ cao ở các nước đã thay đổi so với cách đây vài năm, họ cảm thấy đất nước cởi mở, thoải mái hơn khi được làm việc ở Việt Nam. Đây là yếu tố tâm lý rất quan trọng, để cho họ thực sự cảm thấy được trở về nhà”.

GS Phạm Quang Hưng: Càng chậm càng mất chất xám
“Câu hỏi làm tôi suy nghĩ nhất là làm thế nào để tạo môi trường cho những nhân tài ở trong nước có thể theo đuổi khoa học cơ bản và nghiên cứu tới nơi tới chốn, và chiến lược của Việt Nam trong việc phát triển khoa học cơ bản. Có thể nhìn sang láng giềng của mình xem họ đã làm được điều gì: Trung Quốc đã trải qua nhiều giai đoạn như Việt Nam, nhưng gần đây họ đã có kế hoạch thu hút các khoa học gia gốc Hoa từ nước ngoài (phần lớn từ Mỹ), đẩy mạnh phát triển cơ sở nghiên cứu tại chỗ, đầu tư lớn về cơ sở vật chất như trung tâm thí nghiệm, phòng nghiên cứu đẳng cấp quốc tế. Bên cạnh đó là tạo điều kiện sinh sống thuận lợi, môi trường làm việc hiệu quả, thoải mái. Chúng ta đã có chiến lược, nhưng nếu triển khai chậm thì chất xám sẽ chảy đi ngày càng trầm trọng”.

GS Lê Trần Kim Ngọc: Rào cản phong bì

“Cách để tạo môi trường hứng thú cho những nhà khoa học về đây cống hiến là đừng có chế độ… phong bì! Tôi không hiểu nổi lối sống này, phải chăng vì thiếu phong bì mà các dự án của chúng tôi cứ khúc mắc suốt? Thứ hai là đừng có chậm chạp. Bạn bè quốc tế rất hạnh phúc vì được giúp Việt Nam, ngay từ khi đất nước còn cấm vận, họ đã sẵn sàng trở về để làm cuộc gặp gỡ đầu tiên. Chúng ta cứ hô hào phải đón nhận chất xám chảy về, nhưng biết bao nỗ lực của chúng tôi, biết bao bạn bè nước ngoài giúp, đến khi trái cây sắp chín rồi có khi lại bị nghi ngờ, có vị hiệu trưởng còn nói “không tin mấy người đó lắm, họ về Việt Nam là đi chơi thôi”. Oan cho chúng tôi không!”

TS Alan Phan: Muốn cho chim đậu, phải tạo đất lành

“Trong khoa học, nhất là khoa học xã hội, nhân văn, cần nhất là môi trường tự do học thuật. Nhưng ở Việt Nam, điều kiện tự do trong học thuật chưa thật sự khoáng đạt, làm nản lòng những ai muốn đóng góp cho quê nhà. Tôi nghĩ chúng ta phải chuẩn bị sẵn một cái đầu “mở” để tiếp thu mọi luồng tư tưởng từ bên ngoài chứ. Muốn cho chim đậu, phải tạo đất lành”.

Theo Dan Tri

0 Responses to “Quà chất xám cho quê hương: Trao và nhận”

All Rights Reserved Báo tin vui | 2011