17.1.13
Bí mật về "Nỏ thần Liên Châu"
Bạn thích tin vui này chứ?
Để tạo nên sức thần của nỏ Liên Châu, tướng quân Cao Lỗ đã dùng kỹ thuật chế ra lẫy nỏ có chốt giữ liên hoàn, một lần bóp cò bắn ra nhiều mũi tên, khiến quân địch khiếp sợ.
Sáng 16/1, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, UBND tỉnh Bắc Ninh và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học: "Danh tướng Cao Lỗ thời dựng nước". PGS Lê Đình Sỹ, nguyên Viện phó Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam giới thiệu với hội nghị tham luận "Danh tướng Cao Lỗ với việc chế tạo, sử dụng vũ khí cung nỏ thời An Dương Vương".
PGS cho biết, theo sử cũ nhân lúc nhà Tần suy yếu, Triệu Đà chiếm cứ ba quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận lập nước Nam Việt. Vào năm Tân Mão (210 TCN), khi Tần Thủy Hoàng mất, Triệu Đà phát binh xâm lược Âu Lạc. Quân xâm lược xuất phát từ Phiên Ngung (Quảng Châu) tiến vào nước ta theo đường sông Bạch Đằng và hành lang Đông Triều - Chí Linh. Hướng tiến công đúng theo dự đoán của tướng Cao Lỗ. Quân Triệu tràn ngập cả vùng lãnh thổ phía Bắc Cổ Loa, từ ven sông Cầu, vùng Tiên Sơn, núi Vũ Ninh (Bắc Ninh).
Tướng Cao Lỗ là người tổng chỉ huy toàn bộ quân đội Âu Lạc. Ông bố trí quân đội, trong đó có đội quân cung nỏ lợi hại ở những nơi hiểm yếu bảo vệ kinh thành Cổ Loa. Khai thác điểm yếu của giặc, quân dân Âu Lạc đã chủ động tiến công trên vùng đồi Tiên Du, khiến quân Triệu Đà khốn đốn.
Lẫy nỏ thần. (Ảnh tư liệu)
Cao Lỗ huấn luyện một vạn quân lính, lại làm được nỏ liễu, mỗi lần giương nỏ bắn ra được mười phát tên. Thứ vũ khí thần diệu này được sách Lĩnh Nam chích quái ghi: Sau khi giúp An Dương Vương xây Loa thành, rùa vàng từ biệt ra về. Trước khi chia tay, nhà vua cảm tạ nói:"Nhờ ơn thần, thành đã xây xong. Nay nếu có giặc ngoài đến thì lấy gì mà chống?". Rùa vàng đã tháo chiếc vuốt của mình đưa cho nhà vua và nói: "Đem vật này làm lẫy nỏ, nhằm quân giặc mà bắn thì không lo gì nữa". Vua sai Cao Lỗ làm nỏ, lấy vuốt làm lẫy.
"Chuyện rùa vàng cho vuốt tất nhiên là hư cấu, thần thoại hóa, nhưng chuyện nỏ thần thì lại có thật", PGS Sỹ nói và cho hay, khảo cổ học đã cung cấp bằng chứng về sự tồn tại của "máy nỏ" thời Đông Sơn. Những chiếc lẫy nỏ Làng Vạc gồm bốn bộ phận đúc rời được liên kết lại bằng hai chốt hình trụ đã được phát hiện.
Lẫy nỏ là bộ phận quan trọng nhất của nỏ Liên Châu. Trong truyền thuyết, lẫy nỏ làm bằng móng rùa thần, nhưng theo các nhà nghiên cứu thì có thể rùa là con vật linh thiêng được cư dân Việt tôn thờ nên đã gắn sức mạnh của vị thần cho loại vũ khí "bảo bối" của mình nhằm làm tăng thêm sức mạnh thần kì của thứ vũ khí ấy.
Thực tế, lẫy có thể được chế bằng đồng, bằng sừng hoặc gỗ cứng, hình dáng của nó gần như móng rùa. Nó được cấu tạo với nhiều chi tiết lắp vào nhau nên chiếc nỏ còn được gọi là "liên cơ". Bình thường, dây nỏ được căng lên, cài lại, khi bắn thì dùng ngón tay kéo lùi nút lẫy để dây bật, đẩy tung những cánh tên lao như gió cuốn.
Theo người Cổ Loa kể, người ta đã đào được ở chân thành khu vực chợ Sa một ống đồng dài chừng nửa mét, hai đầu bịt kín, dọc thân trổ lỗ như cây sáo. Đây được đoán là bộ phận cài tên của chiếc nỏ bởi trước Cách mạng tháng Tám, ở Cổ Loa có tục rước nỏ thần, chiếc nỏ được làm bằng giấy, giữa thân nỏ để một cái ngáng bằng gỗ trên thân dùi nhiều lỗ, mỗi lỗ để một mũi tên. Cái ngáng tượng trưng bằng gỗ này có nét tương đồng với ống đồng đào được ở chợ Sa.
Để một lúc bật lẫy nỏ cho nhiều mũi tên cùng bay ra, có ý kiến cho rằng Cao Lỗ đã nghĩ cách làm rộng thân nỏ, xẻ chéo nhiều rãnh, đặt những mũi tên chụm lại để khi bật lẫy, mũi tên theo rãnh bay đi. "Những cứ liệu trên chưa đủ để người ta phục dựng được chính xác "nỏ thần" ngày xưa khiến cho giặc ngoại xâm khiếp vía, nhưng cũng đủ để khẳng định sự tồn tại thực sự của loại vũ khí đánh xa lợi hại do Cao Lỗ chế tạo", PGS Sỹ cho hay.
Sơ đồ Cổ Loa.
Bên cạnh phát hiện lẫy nỏ, hàng vạn mũi tên đồng cũng đã đào được ở Cầu Vực, sát chân thành ngoại Cổ Loa. Kho mũi tên đồng với hàng vạn chiếc, trọng lượng gần 110kg. Đây là loại mũi tên ba cạnh, ba cánh đều nhau, có trụ thân, có chuôi, có họng tra cán và kích thước lớn, được chế tạo hoàn hảo, sắc nhọn. Mỗi mũi tên còn được cắm thêm chuôi bằng tre dài khoảng 1m, làm cân đối trọng lượng để tên bay xa và khả năng sát thương lớn.
Có chiếc lẫy nỏ được phát hiện gồm nhiều bộ phận như hộp cò, lẫy cò, hai chốt và thước ngắm. Gần đây, nhóm nghiên cứu của Bảo tàng lịch sử Quân sự và Trung tâm nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á cùng với nghệ nhân ở Hòa Bình đã phục dựng thành công chiếc nỏ Cao Lỗ sáng chế, tuy chưa được hoàn hảo như nỏ thần ngày xưa.
"Điều quan trọng nhất để tạo nên sức thần của nỏ Liên Châu là Cao Lỗ đã biết kỹ thuật chế ra những chiếc lẫy nỏ có chốt giữ liên hoàn để một lần bóp cò bắn ra nhiều mũi tên có sức xuyên tốt, vừa giết giặc vừa làm chúng khiếp sợ, đội ngũ rối loạn, tan rã. Đó là điều kỳ diệu bí mật của thứ binh khí thần diệu này", PGS Sỹ khẳng định.
Tham dự hội thảo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tóm lược, Cao Lỗ Vương là danh tướng đã giúp vua Thục Phán An Dương Vương dựng nên nhà nước Âu Lạc, hiến kế dời đô xuống đồng bằng và giúp vua xây dựng thành Cổ Loa, chế nỏ liên châu một lần bắn ra nhiều mũi tên. Đây được xem là nỏ thần, thứ vũ khí thần dũng, vô địch để giữ nước với lời nói được truyền tụng "giữ được nỏ thần sẽ giữ được thiên hạ, mất nỏ thần sẽ mất cả thiên hạ".
"Cao Lỗ có tầm nhìn xa, tỉnh táo và đầy cảnh giác, đầy bản lĩnh để can ngăn nhà vua không sa vào quỷ kế của kẻ thù, dù rằng vì điều đó mà bị vua xa lánh. Nhưng khi đất nước bị xâm lược, Tổ quốc lâm nguy, Người lại ra phò vua, cứu nước, tử tiết để lại danh thơm muôn thuở cho hậu thế", Chủ tịch nước nói và khẳng định, danh tướng Cao Lỗ là một vị tướng, biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam trong thời đầu giữ nước, được nhân dân sùng kính, thờ phụng ở nhiều nơi trong suốt hàng nghìn năm lịch sử.
Theo VNE
"Cuộc sống tươi đẹp" là thông điệp mà BÁO TIN VUI muốn gửi gắm
Hãy góp phần làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn bằng cách chia sẻ bài viết này hoặc trở thành cộng tác viên của BÁO TIN VUI. Chúng tôi luôn chào đón tất cả các bạn.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 Responses to “Bí mật về "Nỏ thần Liên Châu"”
Post a Comment