14.6.12
Trò nghèo Sóc Trăng thỏa nguyện ra Hà Nội
Bạn thích tin vui này chứ?
Dù không nhận được giải thưởng cao nhất trong cuộc thi, thầy trò nghèo ở Sóc Trăng rất vui vì đã thỏa được mong ước ra thủ đô Hà Nội và thăm hồ Gươm.
Thầy trò trường THPT An Lạc Thôn, Sóc Trăng tại buổi nhận giải thưởng khoa học vì môi trường. Ảnh: Hương Thu.
Hôm nay, cuộc thi "Cải thiện sử dụng và bảo vệ nguồn nước" do Hội thiên nhiên Bảo vệ môi trường Việt Nam tổ chức đã trao 11 giải thưởng cho học sinh đến từ Thái Nguyên, Sóc Trăng, Sơn La và Thừa Thiên Huế.
Thầy trò của trường THPT An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, Sóc Trăng nhận giải ba với đề tài "Xử lý nước thải bằng hệ thống lọc đa năng" và giải khuyến khích cho đề tài "Lọc nước bằng vỏ than gòn".
Đây là nhóm học sinh gặp khó khăn vì không có kinh phí mua vé tàu xe để ra Hà Nội nhận giải thưởng. Khi VnExpress phản ánh điều này, đã có nhiều bạn đọc chia sẻ mong muốn giúp đỡ thầy trò.
"Không có kinh phí, nên tôi đã quyết định không ra nhận giải thưởng nữa, nhưng vì các em học sinh lại có ước nguyện muốn ra Hà Nội, nên tôi đã phải nhờ sự giúp đỡ can thiệp của nhà trường để thầy trò được đi", thầy Nguyễn Ngọc Hải, giáo viên môn sinh học trường An Lạc Thôn, người hướng dẫn nhóm học sinh thực hiện các đề tài khoa học môi trường, nói.
Trần Minh Tân, học sinh lớp 11A, trường An Lạc Thôn nói, vừa tới Hà Nội, chưa kịp nghỉ ngơi, nhóm đã yêu cầu thầy Hải đến hồ Gươm, lăng Bác.
"Chúng em thích hồ Gươm, ngắm Chùa Một Cột và nhìn Bác Hồ. Nhiều bạn khi thấy Chùa Một Cột còn thắc mắc sao trong sách Chùa to lắm, ở đây lại bé như vậy", Tân kể.
Hai đêm trên tàu, không đêm nào Tân không ngủ ngon vì háo hức với lần đầu ra Hà Nội. Em cũng đọc và biết truyền thuyết về rùa hồ Gươm. "Vì thế khi đi qua hồ, em đứng lại một lúc chờ rùa nổi, để cầu được giải cao", Trần Minh Tân kể về chuyến tham quan Hà Nội hôm qua. "Nhưng em không thấy rùa nổi lên".
Nguyễn Công Minh Hòa, một thành viên của nhóm chia sẻ: "Không nhận được giải thưởng cao, cơ hội sang Thụy Điển cũng tiêu tan. Nhưng tham quan Hà Nội là niềm vinh dự lớn của chúng em. Sẽ khó có lần thứ hai chúng em được ra Hà Nội".
Hòa kể em đã tới thăm hồ Gươm, nơi gắn liền với truyền thuyết lịch sử. "Đi nhiều nơi, em và các bạn thích nhất là được thăm Bác, được nhìn Bác, trong lòng ai cũng dâng trào cảm xúc", Hòa cho hay.
Ngày mai năm thầy trò lại lên đường trở về Sóc Trăng.
Mô hình đề tài "Xử lý nước thải bằng hệ thống đa năng" nhận giải ba tại cuộc thi.
Ảnh: Thiên Phước.
Ảnh: Thiên Phước.
Thiếu tài trợ
Hai đề tài đạt giải của Trường THPT An Lạc Thôn lần này được các nhà khoa học đánh giá cao vì có thể giúp dân vùng sông nước miền Tây cải thiện nguồn nước.
Để thực hiện đề tài "Lọc nước bằng vỏ than gòn" nhóm học trò đã thu gom vỏ cây gòn về để đốt lấy than đưa vào hệ thống lọc nước bị ô nhiễm tại các gia đình sử dụng giếng bơm tay. Nước giếng ở một số nơi có màu vàng đục, bốc mùi tanh nhưng sau khi lọc bằng hệ thống gòn này đã cho ra nước trong vắt, không còn mùi, hàm lượng Fe và phốt pho giảm hàng trăm lần, đạt mức cho phép để nấu ăn.
Đề tài “Xử lý nước thải bằng hệ thống lọc đa năng”, thầy trò ông Hải áp dụng tại các hộ chăn nuôi lợn. Phân lợn được đưa vào hệ thống ủ biogas để tạo ra khí đốt sử dụng cho bếp ăn. Nước thải từ chuồng trại chảy ra ngoài, qua các hệ thống lọc tự nhiên, giảm ô nhiễm trước khi ra sông hồ. Mô hình này còn tạo ra phân xanh và thức ăn chăn nuôi.
Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Ngọc Sinh, đánh giá cao tinh thần ham mê khoa học của các bạn học sinh. Đặc biệt ông cảm phục vì các em đã vượt hơn nghìn km từ Sóc Trăng ra Hà Nội nhận giải.
Nói về kinh phí cho cuộc thi, ông Sinh cho biết, trong suốt 3 năm qua, Hội làm ban tổ chức cũng là thời kỳ không có nhà tài trợ. "Chúng tôi đã kêu gọi nhưng không nhận được sự giúp đỡ từ các doanh nghiệp. Vì thế, để duy trì giải 9 năm liên tục là điều không dễ dàng. Việc duy trì thường xuyên liên tục giải thưởng đã là cố gắng rất lớn của chúng tôi rồi", ông Sinh nói. Đại diện ban tổ chức cũng nói thêm rằng tuy số lượng bài thi năm nay giảm, chỉ 500 bài dự thi, nhưng chất lượng không giảm.
Về khả năng ứng dụng các ý tưởng đoạt giải, giáo sư Sinh nói rằng đề tài của các em học sinh mới chỉ là ý tưởng ban đầu, để ứng dụng vào thực tế thì cần nhiều công việc tiếp theo, và "không hề đơn giản".
"Rất nhiều đề tài khoa học lớn ở Việt Nam còn chưa áp dụng, nên để đưa được ý tưởng của các em vào thực tiễn thì cần có nghiên cứu thực tế nhiều hơn nữa", ông Sinh nói.
Giải nhất cuộc thi năm nay thuộc về đề tài "Sáng tác truyện tranh tuyên truyền bảo vệ nguồn nước", giải nhì thuộc về đề tài "Làm sạch ion kim loại trong nước thải công nghiệp luyện kim bằng vật liệu đơn giản". Hai giải này đều của nhóm học sinh trường THPT Thái Nguyên.
Cuộc thi "Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước" có 11 giải thưởng, trong đó giải nhất trị giá 5 triệu đồng, giải nhì 3 triệu, giải ba 2 triệu đồng, giải khuyến khích 1 triệu đồng. Ngoài ra còn có giải tập thể 1,5 triệu đồng.
Theo Vnexpress
"Cuộc sống tươi đẹp" là thông điệp mà BÁO TIN VUI muốn gửi gắm
Hãy góp phần làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn bằng cách chia sẻ bài viết này hoặc trở thành cộng tác viên của BÁO TIN VUI. Chúng tôi luôn chào đón tất cả các bạn.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 Responses to “Trò nghèo Sóc Trăng thỏa nguyện ra Hà Nội”
Post a Comment